Hợp đồng tương lai ở Sàn giao dịch Singapore đã giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn vào đầu ngày thứ Hai (1/4), giảm gần 4%. Đây là mức thấp nhất trong 10 tháng qua do hoạt động xây dựng trì trệ của Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm ở Trung Quốc vẫn đang tàn phá nhu cầu, trong khi nguồn cung sẵn có ngày càng tăng gây áp lực lên giá cả bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang phục hồi.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành tại Navigate Commodities Pte, cho hay: “Sự biến động của quặng sắt sáng nay thể hiện sự quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản”. Ông cho biết thêm, sự phục hồi trong xuất khẩu nguyên liệu thô từ Australia có thể khiến hàng tồn kho tại cảng ở Trung Quốc thậm chí còn tăng thêm.
Quặng sắt gắn liền với những biến động trong ngành bất động sản Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Hợp đồng tương lai của Singapore hiện giảm khoảng 30% trong năm nay, cho thấy chiến dịch cải tổ nền kinh tế đang gây tổn hại cho mặt hàng chủ chốt được sử dụng trong xây dựng.
Diễn biến giá quặng sắt trong 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)
Sự thất vọng về nhu cầu thép lại trùng với thời kỳ nguồn cung tương đối dồi dào, càng gây thêm áp lực lên giá cả. Australia, nước xuất khẩu hàng đầu, đã chứng kiến xuất khẩu tăng đột biến trong tuần kết thúc vào ngày 15/3. Tồn kho quặng sắt đang chất đống tại các cảng của Trung Quốc, lớn nhất trong hơn một năm với khoảng 142 triệu tấn.
Điều này kéo theo giá giao ngay của thép cây – một sản phẩm thép xây dựng phổ biến – đang ở mức thấp nhất trong 7 tháng.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thay đổi có ý nghĩa trong ngành bất động sản của Trung Quốc sắp xảy ra. Giá trị doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất đã giảm khoảng 46% trong tháng 3 so với một năm trước đó.
Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc tuần trước cảnh báo rằng sự suy thoái bất động sản và cơ sở hạ tầng tương đối yếu đang trì hoãn sự phục hồi của nhu cầu thép. Chỉ số quản lý mua hàng của ngành thép trong tháng 3 đã giảm xuống 44,2 – mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới, Trung Quốc đã sản xuất 1,02 tỷ tấn thép trong năm 2023, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Trung Quốc sản xuất thép nhiều hơn 7,25 lần so với nước đứng thứ hai là Ấn Độ.
Tính đến năm 2023, lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất của Trung Quốc là lĩnh vực bất động sản, chiếm 33% tổng lượng, tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 25% tổng lượng. Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Trung Quốc khỏi việc xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản, tỷ trọng tiêu thụ thép nói chung dành cho hai ngành công nghiệp quan trọng này chỉ giảm được 2% kể từ năm 2020 (70% so với 68% trong dữ liệu mới nhất).
Tham khảo: Yahoo Finance